1. Độ pH của da là gì?
Độ pH là một thang đo để xác định tính acid hay tính kiềm của dung dịch hoặc môi trường bất kỳ với thanh số chạy từ 0 – 14. Khi độ pH càng thấp (dưới 7) – thể hiện tính acid cao và bất cứ thứ gì có độ pH lớn hơn 7 được coi là có tính kiềm. Nếu độ pH = 7, được coi là trung tính.
Độ pH của da chính là độ pH của lớp màng bao bọc trên da
Làn da của chúng ta được bảo vệ bởi một lớp màng acid mỏng bao gồm amino acid và lactic acid. Màng acid này có tác dụng giữ các chất béo và độ ẩm cần thiết cho da. Theo nhiều nghiên cứu, độ pH lý tưởng cho làn da rơi vào ngưỡng 5,5 độ – một môi trường acid nhẹ.
2. Độ pH da có ảnh hưởng gì đến làn da?
Nếu được duy trì độ pH thích hợp, lớp màng quanh da sẽ duy trì được hàng rào bảo vệ tốt, cùng với dầu nhờn tự nhiên của da tạo nên một lớp lá chắn được gọi là acid mantle – màng phủ acid. Lớp màng này có nhiệm vụ ngăn ngừa các tác nhân gây hại cho da từ bên ngoài và diệt trì vi khuẩn.
Bên cạnh đó, độ pH của da ở mức thích hợp cũng tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cân bằng hệ vi sinh. Trong quá trình “trú ngụ” trên da, các vi sinh vật góp phần duy trì độ acid ở màng bảo vệ da, làm cho các mầm bênh trên da được diệt trừ.
Duy trì độ pH ổn định để có làn da khỏe đẹp
Nếu độ pH trên da không được duy trì ổn định, bạn sẽ dễ bị đối mặt với các chứng rối loạn da và cảm giác khô căng. Nếu lâu dài, đề kháng da sẽ yếu dần, da trở nên nhạy cảm, dễ bị mụn hoặc các bệnh ngoài da như chàm, mẩn đỏ,…
3. Nguyên nhân nào khiến làn da bị mất cân bằng độ pH?
Độ pH của da ảnh hưởng rất nhiều đến những thứ mà chúng ta tiếp xúc từ bên trong lẫn bên ngoài. Những vấn đề ảnh hưởng đến pH da có thể bao gồm các sản phẩm chăm sóc da, thời tiết, nước, hoặc các loại thuốc uống,… Dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân chính khiến độ pH của da thay đổi:
– Rửa mặt quá nhiều lần
– Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp
– Thay đổi thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm
– Không khí ô nhiễm, bụi bẩn
– Tiếp xúc với các hóa chất độc hại
– Các loại thuốc, kháng sinh
4. Cách cân bằng độ pH của da hiệu quả
Nếu chẳng may làn da bị rối loạn, mất cân bằng pH, bạn nên áp dụng ngay những phương pháp dưới đây:
4.1 Lưu ý khi chọn sữa rửa mặt
Việc chăm sóc da hằng ngày với các sản phẩm phù hợp là điều quan trọng để duy trì sự cân bằng pH của da. Các chuyên gia cũng tiết lộ trong chu trình dưỡng da, bước làm sạch mặt dễ khiến da mất đi độ pH vốn có vì các sản phẩm làm sạch thường có độ pH lớn hơn 5,5 để tẩy sạch dầu nhờn và bụi bẩn. Vì vậy, trước khi mua các sản phẩm làm sạch da, bạn nên kiểm tra độ pH và loại da để biết cách sử dụng đúng.
4.2 Không dùng nước quá nóng để rửa mặt
Nhiều người có thói quen dùng nước nóng để rửa mặt với suy nghĩ sẽ làm giãn nở lỗ chân lông, để da sạch và thấm dưỡng chất tốt hơn nhưng theo các chuyên gia, đây là quan niệm sai lầm. Việc dùng nước quá nóng để rửa mặt, cũng như xông hơi nóng lên mặt lâu quá sẽ khiến màng acid trên da bị phá hủy, gây mất cân bằng độ pH trên da.
4.3 Chọn các sản phẩm chăm sóc da có độ pH phù hợp
Đây là một trong những phương pháp duy trì độ pH cân bằng trên da hiệu quả nhất. Khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có độ pH dao động từ 4 – 6 sẽ giúp nuôi dưỡng màng acid trên da tốt hơn. Với những sản phẩm có độ pH cao hơn 7 thường mang tính kiềm, dễ khiến làn da trở mất đi độ ẩm tự nhiên, trở nên căng, khô ráp nhất là trong mùa lạnh.